Shopee thu thêm 3.000 đồng phí hạ tầng mỗi đơn: Người bán nhỏ lẻ 'nghẹt thở', liệu người dùng có bắt đầu quay lưng?

9:11, 14/6/2025

Chính sách áp dụng thêm phí hạ tầng 3.000 đồng mỗi đơn hàng từ 1/7 của Shopee đang vấp phải phản ứng dữ dội từ cộng đồng nhà bán và cả người tiêu dùng. Trong khi giới kinh doanh nhỏ lẻ lo ngại bị "đẩy ra khỏi cuộc chơi", người mua cũng bắt đầu thấy giá tăng, dịch vụ đi xuống. Liệu đây là bước chuyên nghiệp hóa hay dấu hiệu mất cân bằng giữa sàn và người tham gia?

Shopee áp phí hạ tầng 3.000 đồng mỗi đơn: “Lưỡi dao” cắt lợi nhuận nhà bán  nhỏ lẻ?

Người bán nhỏ lẻ “đứng bên lề” cuộc chơi?

Thông báo áp dụng "phí hạ tầng" 3.000 đồng/đơn của Shopee, có hiệu lực từ 1/7/2025, được phát đi trong bối cảnh nền tảng này đã thu hút được hàng triệu nhà bán và người dùng tại Việt Nam. Theo Shopee, khoản phí này nhằm “nâng cấp nền tảng và cải thiện trải nghiệm”. Tuy nhiên, cộng đồng người bán cho rằng đây là cú đẩy chi phí lên đỉnh, khiến biên lợi nhuận vốn đã mỏng lại càng co hẹp.

Chị Trần Hồng Nhung – chủ cửa hàng phụ kiện trang trí tại Hà Nội cho biết: “Mỗi đơn tôi lãi khoảng 5.000–7.000 đồng, sau khi trừ phí vận chuyển, phí chiết khấu, phí dịch vụ và thuế. Giờ cộng thêm 3.000 đồng phí hạ tầng nữa thì lãi chẳng còn gì. Bán càng nhiều lại càng lỗ.”

Chị Lê Thị Mai, chủ shop dụng cụ làm bánh ở TP.HCM, cho biết: “Sàn đã thu 15% phí giao dịch, phí thanh toán, gói vận chuyển PiShip gần 1.700 đồng, giờ thêm 3.000 đồng phí hạ tầng thì làm sao sống nổi? Tôi bán đồ giá rẻ, lợi nhuận trên mỗi đơn không tới 5.000 đồng, tính ra đang lỗ dần đều.”

Tương tự, anh Lê Minh Đạt – bán đồ gia dụng tại Đà Nẵng chia sẻ: “Tôi duy trì khoảng 1.200 đơn hàng mỗi tháng. Chỉ riêng phí nền tảng mới đã ngốn gần 4 triệu đồng, chưa tính các khoản khác. Với quy mô nhỏ, chỉ cần một khoản chi phí phát sinh cũng có thể khiến shop sụp đổ.”

Một số nhà bán quy mô siêu nhỏ còn cho rằng chính sách này đang "âm thầm loại bỏ" họ khỏi sàn. “Tôi từng bán hàng giá 2.000–5.000 đồng để thu hút khách. Nay chỉ riêng phí nền tảng đã chiếm hơn một nửa giá bán. Không còn đất sống cho shop nhỏ nữa”, chị Nguyễn Thanh Vân, bán tạp hóa online tại TP. HCM bức xúc.

Một số người bán còn lo ngại chính sách này sẽ khiến thị trường mất cân đối, do các shop lớn dễ dàng đẩy phí lên giá bán, trong khi shop nhỏ buộc phải giữ giá để cạnh tranh và dần bị loại khỏi cuộc chơi.

Người tiêu dùng cũng bắt đầu trả giá?

Không chỉ người bán, người dùng Shopee cũng đang cảm nhận rõ sự thay đổi. Trên nhiều diễn đàn tiêu dùng, người mua phản ánh tình trạng hàng hóa tăng giá nhẹ nhưng đồng loạt, phí vận chuyển cao hơn, dịch vụ không cải thiện tương xứng.

Anh Đoàn Ngọc Long – nhân viên văn phòng tại TP.HCM cho biết: “Tôi mua một bộ tai nghe trước đây giá 99.000 đồng, nay thành 109.000 đồng. Shop nói do phí nền tảng mới nên phải cộng thêm. Tức là cuối cùng, người tiêu dùng vẫn phải trả.”

“Trước tôi mua chai dầu gội hết 59.000 đồng, giờ shop tăng lên 65.000 đồng. Nhìn tưởng không liên quan, nhưng hóa ra shop đang cộng dồn các khoản phí mới vào giá sản phẩm”, anh Nguyễn Duy Mạnh – khách hàng tại Hà Nội chia sẻ.

Theo chị Vũ Thị Ánh – chuyên gia thương mại điện tử tại Hà Nội, phản ứng từ cộng đồng cho thấy một vấn đề lớn hơn: “Shopee hiện là nền tảng thống trị, nhưng nếu chi phí tăng mà chất lượng dịch vụ không theo kịp, họ có thể đánh mất niềm tin người dùng là thứ vốn rất khó lấy lại.”

Trong khi đó, một số nhà bán chuyên nghiệp coi đây là cơ hội sàng lọc thị trường. Anh Phạm Thành Luân – bán thiết bị điện tại Hà Nội nhận định: “Ai bán kiểu chụp giật thì sẽ rời sàn. Ai làm bài bản, chăm sóc khách tốt, bán đa kênh thì sống được. Phí tăng là xu hướng chung, vấn đề là thích nghi thế nào.”

Chị Hồ Bảo Ngọc – chủ shop mỹ phẩm lâu năm tại TP. HCM cho rằng: “Các nền tảng lớn phải có doanh thu để vận hành. Phí hạ tầng là chuyện sớm muộn. Tôi đã chuyển 40% đơn sang các kênh Facebook, Zalo và đang triển khai livestream đều đặn để chủ động hơn với khách hàng trung thành.”

Một số chuyên gia thương mại điện tử cho rằng, việc Shopee thu phí hạ tầng phản ánh mô hình chuyển đổi từ hỗ trợ tăng trưởng sang tối ưu lợi nhuận. Khi đã chiếm lĩnh thị phần lớn, các sàn sẽ không còn trợ giá mạnh như trước. Chi phí tăng là tất yếu. Người bán cần chuyển mình từ hộ cá thể sang mô hình chuyên nghiệp, có kế hoạch giữ chân khách và tối ưu chi phí.

Nguồn: congluan.vn Copy link
Bài viết liên quan
  • index
    ‘Resort tại gia’: Xu hướng sống mới tại Hà Nội

    Sống nghỉ dưỡng ngay tại trung tâm Thủ đô, Long Bien Central mở ra phong cách sống resort giữa phố thị, nơi thiên nhiên, tiện nghi và đẳng cấp cùng hội tụ, kiến tạo chốn an trú lý tưởng cho cư dân tinh hoa.


     

  • index
    The 8:120 Collection - Thương phố nhà vườn dành cho giới tinh hoa dẫn dắt lối sống mới

    Với mặt tiền rộng tới 8m và diện tích 120m² linh hoạt, kết hợp khu vườn sau riêng tư, dòng sản phẩm “The 8:120 Collection:Thương phố nhà vườn thế hệ mới” tại Vinhomes Wonder City (Hà Nội) không chỉ là chốn an cư lý tưởng, mà còn là tuyên ngôn đẳng cấp dành riêng cho tầng lớp thành đạt mới - những người đang khao khát khẳng định dấu ấn cá nhân trong từng mét vuông sở hữu.

  • index
    Năng lực tổng thầu CC1 kết hợp chuỗi giá trị 3F+ của Dabaco: Mô hình hợp tác toàn diện

    Ngày 17/7, tại trụ sở Tập đoàn Dabaco Việt Nam, đã diễn ra Lễ ký kết Thỏa thuận Hợp tác Chiến lược giữa Tập đoàn Dabaco Việt Nam (DBC) và Tổng Công ty Xây dựng Số 1 – CTCP (CC1).